Món ngon ngày tết ba miền
Một mùa Tết nữa lại đang đến gần. Tết cổ truyền là dịp quan trọng để mỗi người Việt đoàn tụ, họp mặt với gia đình sau những ngày tháng bận rộn. Vì vậy, ẩm thực ngày Tết được các gia đình đầu tư chuẩn bị cầu kì và công phu. Hãy cùng Chefprovn khám phá những món ngon ngày Tết ở mỗi miền đất nước để xem ngày Tết của người dân ta thú vị thế nào nhé!
1. Món ngon ngày tết miền Bắc
Trải qua nhiều thời kì thay đổi nhưng mâm cỗ của người miền Bắc vẫn giữ bản chất đúng nét cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong văn hóa của người Hà Nội vốn chuộng hình thức nên mâm cơm ngày Tết được chuẩn bị công phu: món xôi, món thịt, giò lụa, món canh, củ ngâm… nhìn vào giống bức tranh với đầy đủ sắc màu bốn mùa, tượng trưng cho ấm no và hạnh phúc.
Xôi gấc
Người Việt quan niệm màu đỏ là màu của may mắn hạnh phúc, vì vậy mâm cỗ ngày Tết luôn có một đĩa xôi nếp. Xôi gấc làm từ gạo nếp ngon trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp, sau khi đồ chín xôi sẽ có màu đỏ tươi đẹp mắt và vị ngọt tự nhiên.
Bánh chưng
Tết truyền thống của người Việt không thể thiếu bánh chưng, loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của chúng ta. Chiếc bánh vuông vức, thơm ngon tượng trưng cho tinh hoa của đất trời. Bánh gồm gạo nếp với đậu xanh, nhân là thịt lợn được luộc trong khoảng 14 tiếng.
Thịt gà luộc
Một món ngon ngày Tết hiện diện trong mọi mâm cơm của người Việt là thịt gà luộc. Những miếng thịt vàng tươi, rắc thêm vài sợi lá chanh thái nhỏ chấm với muối tiêu chanh tạo nên một hương vị khó quên.
Thịt nấu đông
Một món ngon đặc trưng vào mùa đông ở miền Bắc là các món thịt đông. Tiết trời se lạnh mà thưởng thức món thịt đông sẽ mang lại cảm giác độc đáo nhưng lại hấp dẫn người ăn.
Dưa hành
Dưa hành là một món ngày Tết bình dị mà khiến bao người mê mẩn. Vị chua chua ngọt ngọt hơi cay của món ăn này giúp người dùng cân bằng lại vị giác khi thưởng thức những món giàu đạm, béo khác trong ngày tết.
2. Món ngon ngày Tết miền Trung
Miền Trung khí hậu quanh năm khắc nghiệt nên ẩm thực ngày Tết của nơi đây cũng hội tụ những món ăn gắn liền với những hương vị: chua, cay, mặn, ngọt…
Bánh tét
Món ăn truyền thống trong ngày tết ở miền Trung là bánh tét, một món bánh trang trọng khá giống bánh chưng của người Bắc. Bánh tét có màu xanh thẫm thơm mùi hương của nếp với nhân bánh từ gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh, sau đó gói lại bằng lá chuối xanh với hình trụ dài.
Thịt lợn ngâm mắm
Thịt lợn ngâm nước mắm là một đặc sản của miền Trung và không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Thịt heo đem luộc chín, pha đường khuấy với nước mắm đun nóng. Sau khi các nguyên liệu đã nguội, thịt được xếp vào trong hũ thủy tinh rồi từ từ đổ mắm vào cho ngập miếng thịt. Khoảng 3 ngày sau khi thịt đã ngấm nước mắm là có thể đem ra dùng.
Giò bò tiêu sọ
Nếu miền Bắc có giò lụa từ thịt heo thì miền Trung có giò bò tiêu sọ. Khác với giò lụa, giò bò giòn hơn và đem đến hương vị kích thích nhờ vị của tiêu sọ trộn lẫn.
Nem chua
Đặc sản nem chua được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn với bì heo cùng gia vị, tỏi, lá đinh lăng rồi ủ chua cho lên men đến chín là ăn được. Những miếng nem có vị chua thanh, giòn giòn, cay cay khiến người ăn ấn tượng.
Tôm chua
Bên cạnh các món ăn mặn thì trong mâm cỗ Tết của người miền Trung còn có sự hiện diện của tôm chua – thứ nước chấm đặc sản chua ngọt độc đáo của người Huế.
3. Món ngon ngày Tết miền Nam
Cũng giống như các vùng miền khác, mâm cỗ ngày tết miền Nam không thể thiếu các món ăn đặc trưng đa dạng về hình thức và hương vị.
Bánh tét
Khác với bánh tét miền Trung, bánh tét của miền Nam rất đa dạng và có nhiều loại như: bánh tét mặn, bánh tét nhân thập cẩm, bánh tét ngọt, bánh tét chay không nhân. Đây là loại bánh không chỉ được sử dụng trong ngày Tết mà còn phổ biến trong bữa ăn hằng ngày tại vùng miền này.
Bánh tét thường được gói trước nửa tháng,bánh dùng để cúng tổ tiên trong ngày Tết hoặc dùng làm quà biếu. Để làm bánh này người ta đem gạo nếp đi vo sạch, để ráo rồi xào với nước cốt dừa và nước lá cẩm. Nhân bánh phong phú gồm: chuối, đậu xanh, giò heo bắc thẻo, thịt, trứng, nấm…và được gói thành đòn dài rồi đem luộc chín. Người miền Nam ăn bánh tét cùng thịt kho tàu, dưa cải, củ kiệu tạo thành hương vị hấp dẫn.
Thịt kho nước dừa
Thịt kho tàu, thịt kho hột vịt hay thịt kho nước dừa là món ăn nổi tiếng cả nước, nhưng hương vị thơm ngon, hấp dẫn nhất không nơi đâu sánh bằng thì chỉ có ở miền Nam. Món ăn gốc Hoa này nấu từ thịt ba rọi thái miếng to cỡ 3 ngón tay ướp với nước mắm, đường, hành tỏi, ớt…Thịt kho trong nước dừa cùng trứng đã luộc chín, ninh đến khi thịt mềm, nước trong nồi có màu cánh gián là được. Ngày Tết mà được thưởng thức thịt kho nước dừa với cơm trắng và dưa giá thì rất tuyệt vời.
Canh khổ qua
Món canh tưởng như dân dã mà lại là món ngon không thể thiếu trong mâm cơm Tết miền Nam. Theo quan niệm của người miền Nam, canh khổ qua là món ăn có ý nghĩa đi qua sự cơ cực, hy vọng bắt đầu một năm mới tốt đẹp. Món canh tuy hơi đắng nhưng có tác dụng giải độc, làm mát cơ thể.
Canh khổ qua nấu từ những trái khổ qua tươi bỏ ruột được nhồi thịt băm vào bên trong, rồi nấu trong nước hầm xương thành canh. Món canh là sự hòa quyện giữa khổ qua hơi đắng với bị ngọt của nhân thịt là món ăn giúp cân bằng mâm cỗ ngày Tết toàn các món nhiều chất đạm.
Củ kiệu tôm khô
Các món ngâm chua dường như là món không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày Tết ở mọi vùng miền. Củ kiệu được làm sạch rồi đem phơi, sau đó cho vào lọ thủy tinh, cứ 1 lớp củ kiệu thì cho 1 lớp đường cát trắng rồi đậy kín, sau khoảng 10 ngày là ăn được. Củ kiệu ăn kèm tôm khô là món nhắm yêu thích của các quý ông trong ngày lễ Tết.
Trên đây là những món ăn cổ truyền có trong mâm cơm ngày Tết của người Việt, mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền. Món ngon ngày Tết mỗi miền có thể khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, là dịp để mọi người trong gia đình sum họp đông đủ cùng thưởng thức hương vị các món ăn ngon của ngày Tết, cầu mong một năm mới an khang, hạnh phúc.
Nguồn: https://nghebep.com/tin-tuc/kham-pha/mon-ngon-ngay-tet-ba-mien-bac-trung-nam
Nhận xét
Đăng nhận xét